CHÍNH PHỦ -------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ------------------ |
Số: 110/2010/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 2010 |
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 111/2005/NĐ-CP NGÀY 26 THÁNG 8 NĂM 2005 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XUẤT BẢN ĐÃ ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG BẰNG NGHỊ ĐỊNH SỐ 11/2009/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 02 NĂM 2009 CỦA CHÍNH PHỦ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xuất bản ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,
Căn cứ Luật Xuất bản ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Điều 18c và Điều 18d của Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung bằng khoản 5 và khoản 6 Điều 2 của Nghị định số 11/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ quy định về điều kiện và hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm
1. Điều 18c được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 18c. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm
1. Điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Xuất bản bao gồm:
a) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, về đầu tư;
b) Người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải thường trú tại Việt Nam; có văn bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành phát hành xuất bản phẩm; nếu tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ phát hành xuất bản phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;
c) Trường hợp kinh doanh nhập khẩu sách, ngoài các điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản này, còn phải có ít nhất 05 (năm) nhân viên thẩm định nội dung sách. Nhân viên thẩm định nội dung sách phải có thâm niên công tác trong lĩnh vực xuất bản từ 05 (năm) năm trở lên, có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và có bằng đại học trở lên chuyên ngành ngoại ngữ phù hợp với phần lớn số sách nhập khẩu.”
2. Điều 18d được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 18d. Hồ sơ, trình tự và cách thức đề nghị cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm
1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Xuất bản được lập thành 01 (một) bộ, nộp qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát hoặc nộp trực tiếp tại Cục Xuất bản, bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép theo mẫu;
b) Bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, về đầu tư; văn bằng, chứng chỉ của người đứng đầu cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm;
c) Danh sách nhân viên thẩm định nội dung sách theo mẫu đối với trường hợp kinh doanh nhập khẩu sách.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung Mẫu số 10 – Đơn xin cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm và Mẫu số 11 – Danh sách nhân viên, cộng tác viên thẩm định nội dung sách nhập khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 02/2010/TT-BTTTT ngày 11 tháng 01 năm 2010 để phù hợp với phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính quy định tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 02 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ.”
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung Điều 18 của Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung bằng khoản 4 Điều 1 Nghị định số 11/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh.
Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 18. Đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh
1. Việc đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh thực hiện theo quy định tại Điều 39 Luật Xuất bản.
2. Hồ sơ, trình tự và cách thức thực hiện đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh như sau:
a) Hồ sơ được lập thành 01 (một) bộ, bao gồm giấy đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm và 03 (ba) bản danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu theo mẫu;
b) Cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm nộp 01 (một) bộ hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát hoặc nộp trực tiếp tại Cục Xuất bản. Khi có hướng dẫn của Cục Xuất bản về đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm qua mạng internet thì tùy theo nhu cầu mà cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm thực hiện việc đăng ký nhập khẩu qua mạng internet;
c) Trường hợp có sự thay đổi thông tin trong danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu đã được xác nhận đăng ký, cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm phải có văn bản báo cáo về nội dung thông tin thay đổi, đồng thời đăng ký những thông tin mới (nếu có) với Cục Xuất bản để xác nhận đăng ký bổ sung.
Cách thức nộp văn bản báo cáo thực hiện theo quy định tại điểm b khoản này.
3. Danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu đã được Cục Xuất bản xác nhận đăng ký là căn cứ để cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm làm thủ tục nhập khẩu với cơ quan hải quan và có giá trị cho đến khi hoàn thành thủ tục nhập khẩu.
4. Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung Mẫu số 13 – Giấy đăng ký danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu để kinh doanh và Mẫu số 14 – Danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu để kinh doanh ban hành kèm theo Thông tư số 02/2010/TT-BTTTT ngày 11 tháng 01 năm 2010 để phù hợp với phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính quy định tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 02 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ.”
Điều 3. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2010.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Văn phòng TW và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - UB Giám sát tài chính QG; - Kiểm toán Nhà nước; - Ngân hàng Chính sách Xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: Văn thư, KGVX (5b) | TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét