CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, KIỂM TRA VIỆC SỬ DỤNG ĐIỆN THOẠI KHÔNG DÂY ĐỂ BẢO ĐẢM AN TOÀN CHO CÁC HỆ THỐNG THÔNG TIN VÔ TUYẾN ĐIỆN
Hiện nay có nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng điện thoại không dây chuẩn DECT có băng tần sử dụng từ 1900MHz – 1930MHz không phù hợp với quy hoạch tần số vô tuyến điện của Việt Nam (sau đây gọi tắt là quy hoạch tần số) gây can nhiễu cho mạng thông tin di động thế hệ thứ ba (3G) trên diện rộng. Khảo sát trên thị trường đã phát hiện có tổ chức, cá nhân tại Việt Nam chào, bầy bán các loại điện thoại không dây chuẩn DECT có băng tần không phù hợp với quy hoạch tần số:
- Băng tần 1920 – 1930 MHz xuất xứ từ Mỹ, Canada;
- Băng tần 1910 – 1930 MHz xuất xứ từ Mỹ Latin;
- Băng tần 1900 – 1920 MHz xuất xứ từ Trung Quốc.
Nguyên nhân điện thoại không dây chuẩn DECT có băng tần không phù hợp với quy hoạch tần số được nhập khẩu và sử dụng tại Việt Nam là do chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý tần số vô tuyến điện, cơ quan Quản lý thị trường. Hải quan trong việc thực hiện các quy định của Pháp luật về tần số vô tuyến điện: ngoài ra còn có nguyên nhân một số tổ chức, cá nhân chấp hành chưa nghiêm các quy định về quản lý tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện.
Để khắc phục tình trạng trên, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện, giải quyết kịp thời và ngăn ngừa nguy cơ can nhiễu do sử dụng điện thoại không dây nói chung và điện thoại không dây chuẩn DECT nói riêng (sau đây gọi chung là điện thoại không dây) có tần số không phù hợp với quy hoạch tần số, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp cung cấp và người sử dụng dịch vụ thông tin di động, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các địa phương, đơn vị thuộc Bộ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu điện thoại không dây thực hiện các nội dung sau:
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn (Sở Thông tin và Truyền thông, Chi Cục Quản lý Thị trường và các cơ quan có liên quan) tổ chức thực hiện:
a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, ban hành các văn bản tăng cường quản lý việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, lưu thông và sử dụng điện thoại không dây trên địa bàn.
b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân các quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện và khuyến cáo không mua bán, sử dụng điện thoại không dây không phù hợp với quy hoạch tần số.
c) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, lưu thông, sử dụng điện thoại không dây không phù hợp với quy hoạch tần số gây can nhiễu có hại
d) Phối hợp với Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực giải quyết can nhiễu mạng thông tin di động do điện thoại không dây gây ra.
2. Các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông:
2.1. Cục Tần số Vô tuyến điện:
a) Tăng cường công tác kiểm soát tần số. Chủ trì, phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông giải quyết can nhiễu do điện thoại không dây gây can nhiễu cho các mạng thông tin vô tuyến điện;
b) Phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông xử lý các tổ chức, cá nhân sử dụng điện thoại không dây không đúng quy định, gây can nhiễu có hại, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện;
c) Phối hợp với Tổng cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường kiểm tra việc nhập khẩu, lưu thông các điện thoại không dây;
d) Tổ chức rà soát, nghiên cứu, đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định về tần số vô tuyến điện đối với điện thoại không dây, ban hành danh mục các băng tần số không được phép sử dụng điện thoại không dây.
2.2. Cục Quản lý chất lượng Thông tin và Truyền thông:
a) Tăng cường quản lý chất lượng thiết bị vô tuyến điện sản xuất trong nước, nhập khẩu và đưa vào sử dụng thông qua công tác hợp chuẩn, hợp quy thiết bị vô tuyến điện trước khi lưu thông trên thị trường.
b) Rà soát các chứng nhận hợp qui cho điện thoại không dây đảm bảo phù hợp với các qui hoạch tần số của Việt Nam.
c) Tổ chức rà soát, nghiên cứu, đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định về quản lý chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho điện thoại không dây.
2.3. Thanh tra Bộ chỉ đạo Thanh tra Cục Tần số vô tuyến điện, Thanh tra Cục Quản lý chất lượng Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức thanh tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, lưu thông và sử dụng điện thoại không dây gây can nhiễu cho các mạng thông tin vô tuyến điện.
2.4. Cục Báo chí, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện liên quan đến điện thoại không dây.
2.5. Trung tâm thông tin, Báo Bưu điện, Báo VietnamNet, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, Tạp chí Công nghệ thông tin và Truyền thông cần chủ động phối hợp với Cục Tần số vô tuyến điện tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật về tần số vô tuyến điện, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không kinh doanh, sử dụng điện thoại không dây có tần số không phù hợp với quy hoạch tần số.
3. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông
a) Giám sát thường xuyên các thông số kỹ thuật của hệ thống, trường hợp hệ thống có cảnh báo nhiễu, lập báo cáo can nhiễu theo quy định gửi Cục Tần số vô tuyến điện.
b) Thực hiện theo hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho Cục tần số vô tuyến điện xác định nguyên nhân, nguồn gây nhiễu và thực hiện các biện pháp để giải quyết nhiễu có hại
c) Khuyến cáo người sử dụng không kết nối điện thoại không dây có tần số không phù hợp với quy hoạch tần số vào mạng điện thoại cố định do doanh nghiệp quản lý.
4. Các tổ chức, cá nhân khác:
Không sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, lưu thông, sử dụng điện thoại không dây có tần số không phù hợp với quy hoạch tần số để sử dụng tại Việt Nam.
5. Tổ chức thực hiện:
Cục Tần số vô tuyến điện có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chỉ thị này, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện và báo cáo kết quả lên Bộ trưởng.
Nơi nhận: - Văn phòng Chính phủ; - Bộ Tài chính; - Bộ Công Thương; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Các đ/c Thứ trưởng; - Các Sở Thông tin và Truyền thông; - Các đơn vị trực thuộc Bộ; - Các Doanh nghiệp Viễn thông; - Lưu: VT |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét